Chính sách cấp phép bản quyền/licensing ESET

Chính sách cấp phép bản quyền/licensing ESET

ESET có các chính sách cấp phép bản quyền/licensing cho phân khúc Business linh hoạt.

3 ưu điểm vượt trội

License chuẩn công nghiệp: Tất cả các giải pháp kinh doanh và gói kinh doanh của ESET đều sử dụng một cấp phép duy nhất cho tất cả các sản phẩm đi kèm.

License grouping: Cho phép bạn nhóm nhiều giấy phép trong một tài khoản, với địa chỉ email do người dùng xác định và mật khẩu của riêng bạn để làm cho giấy phép theo dõi dễ dàng.

Cập nhật giấy phép minh bạch: Giấy phép phần mềm bản quyền của bạn được cập nhật tự động sau khi nâng cấp giấy phép, gia hạn hoặc bất kỳ sửa đổi nào khác.

Unilicense của ESET và ưu điểm

Unilicense bao gồm các hệ điều hành máy tính, điện thoại thông minh (smartphone), máy tính bảng và máy chủ tệp (file server) phổ biến nhất, cho phép bạn kết hợp và phối hợp bảo vệ điểm cuối giữa các thiết bị. Bạn có thể chuyển sang một nền tảng khác mà không phải mua thêm giấy phép.

Unilicense hỗ trợ :

  • Máy tính: Windows, Mac, Linux.
  • Điện thoại thông minh và máy tính bảng: Android.
  • Máy chủ tệp: Windows, Linux, BSD, Solaris.

Ưu điểm

  • ESET Unilicense bao gồm tất cả các cơ sở, cho phép bạn kết hợp bảo vệ điểm cuối (endpoint) mà không lãng phí một giấy phép nào.
  • Bạn có thể chuyển bảo vệ của mình từ nền tảng này sang nền tảng khác bất kỳ lúc nào trong thời hạn giấy phép mà không phải mua thêm giấy phép bản quyền.
  • Bạn có thể chuyển giấy phép ESET hợp lệ sang một máy tính hoàn toàn mới từ máy tính gốc ban đầu. Ngoài ra, bạn có thể chuyển từ HĐH này sang HĐH khác.

-> Mua bản quyền/giấy phép/license các sản phẩm của ESET

Seat trong license là gì?

Seat trong license là gì?

Seat trong license có thể được hiểu như là số lượng thiết bị (device) hoặc người dùng (user) độc lập mà 1 license/bản quyền phần mềm cho phép sử dụng. Tuỳ vào phần mềm bạn mua mà quy định về số seat khác nhau.

Chẳng hạn, 1 license có 20 seats nghĩa là phần mềm này có thể cấp cho tối đa 20 thiết bị (hoặc user, tuỳ vào quy định của phần mềm).

Giám đốc liên minh phần mềm BSA: “không chi trả cho phần mềm bản quyền vì muốn tiết kiệm chi phí là một suy nghĩ rất sai lệch”

Giám đốc liên minh phần mềm BSA: “không chi trả cho phần mềm bản quyền vì muốn tiết kiệm chi phí là một suy nghĩ rất sai lệch”

Dù đã có nhiều tiến triển trong việc sử dụng phần mềm bản quyền tại Việt Nam nhưng tình trạng sử dụng phần mềm lậu, phần mềm bất hợp pháp vẫn còn rất phổ biến tại các doanh nghiệp, tiềm ẩn những rủi ro khôn lường về an ninh mạng, lộ lọt thông tin cá nhân của khách hàng.

Ông Tarun Sawney, Giám đốc phụ trách công tác chống vi phạm bản quyền khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Liên minh phần mềm BSA

Xin ông cho biết làm thế nào để BSA phát hiện các công ty đang sử dụng phần mềm không bản quyền? Trong hầu hết các trường hợp, các công ty có tự nhận thức về tình trạng này không?

Chúng tôi có 2 nguồn:

Nguồn thứ nhất đến từ những nguồn tin mật từ phía nhân viên tại các công ty, những người không hài lòng với việc công ty sử dụng phần mềm trái phép, họ chính là người cho BSA thông tin.

Nguồn thứ hai đến từ các cuộc điều tra do chính BSA tiến hành, chúng tôi sẽ kiểm tra thông tin cơ bản của các công ty. Lấy ví dụ với một công ty sản xuất túi du lịch chẳng hạn, để làm nên sản phẩm chắc chắn họ sẽ phải sử dụng phần mềm thiết kế, khi đó chúng tôi sẽ liên hệ với các công ty sản xuất phần mềm thiết kế nằm trong mạng lưới thành viên của BSA và tìm hiểu xem liệu công ty túi du lịch ấy có đang sử dụng phần mềm thiết kế do các công ty đó tạo ra hay không, nếu như không thì chúng tôi có những lý do để tin rằng công ty túi du lịch đang sử dụng phần mềm không bản quyền.

Tôi nghĩ ở thời điểm hiện tại, trong bất cứ công ty nào, phần mềm và con người chính là 2 yếu tố giúp cho công ty vận hành hiệu quả. Con người sử dụng phần mềm và các công ty đều tạo ra những sở hữu trí tuệ. Quay lại với công ty túi, họ thiết kế nên một chiếc túi và họ sẽ là người sở hữu mẫu thiết kế đó và cách để sản xuất nó. Tôi nghĩ đó là một điều cần được tôn trọng, và với phần mềm cũng vậy.

Để một công ty cho rằng phần mềm là miễn phí thì tôi nghĩ không hợp lý. Vì ở thời đại này, mọi người đều biết phải trả các loại chi phí để sử dụng phần mềm. Theo tôi các công ty đủ lớn để có phòng IT không thể nào nói rằng họ không biết việc này. Họ có thể tranh luận rằng tại công ty họ việc sử dụng phần mềm 80% là hợp pháp, 20% còn lại họ không biết. Nhưng hầu hết các cuộc thanh tra của Bộ Văn hóa, Thể thao – Du lịch đều cho kết quả 100% về việc các doanh nghiệp sử dụng phần mềm không bản quyền!

Vậy BSA đã làm gì để cảnh báo các công ty về những nguy cơ khi sử dụng phần mềm bất hợp pháp?

Chúng tôi làm việc với chính phủ để giáo dục các công ty về việc sử dụng phần mềm hợp pháp qua nhiều cách, thứ nhất là giáo dục. Chúng tôi đã chạy một dự án có tên Legalize and Protect vào năm ngoái, qua đó chúng tôi gửi 10.000 lá thư đến các công ty Việt Nam, và thực hiện những cuộc gọi điện thoại để khuyến khích họ sử dụng phần mềm có bản quyền và cảnh báo về những nguy cơ của phần mềm lậu. Đó là những phương pháp trực tiếp. Chính phủ, bên cạnh đó, cũng thực hiện những phương pháp gián tiếp.

Chính phủ có vai trò thế nào trong việc tuyên truyền sử dụng phần mềm bản quyền?

Nếu như một công ty sử dụng phần mềm lậu, họ sẽ có nguy cơ bị điều tra bởi chính phủ. Chính phủ sẽ đến công ty và kiểm tra máy tính, kiểm tra các phần mềm công ty đang sử dụng. Nếu trái phép, các công ty có thể phải đóng tiền phạt vì vi phạm luật bản quyền. Bên cạnh đó, họ có thể gặp nguy cơ về kiện tụng đến ngay từ phía những công ty sản xuất phần mềm.

Chúng tôi sẽ cố gắng lan truyền những trường hợp đó đến công chúng trên những trang báo, và các giám đốc cấp cao của công ty sẽ biết đến những nguy cơ này cũng như những trường hợp phải ra tòa. Và bản thân chính phủ cũng có những thông cáo báo chí, công bố số liệu các công ty đã bị điều tra bởi các đơn vị ban ngành.

Bên cạnh giáo dục, chúng tôi cũng chia sẻ những nguy cơ về mặt pháp lý, và chúng tôi cũng thực hiện những buổi phỏng vấn như thế này để những thông tin này được lan tỏa rộng rãi.

Ông có thể chia sẻ rõ hơn về cách thức BSA làm việc với chính phủ?

Chúng tôi kết hợp với chính phủ theo 2 cách. Thứ nhất, chúng tôi sẽ cung cấp cho chính phủ những thông tin, bằng chứng về các công ty mà chúng tôi tin họ đang sử dụng phần mềm không bản quyền. Khi đó chính phủ sẽ xem xét các bằng chứng và tiến hành những cuộc điều tra.

Thứ hai, chúng tôi sẽ thực hiện những chương trình đào tạo, hội thảo về quản lý tài sản phần mềm , những buổi họp báo, thông cáo báo chí cùng với chính phủ để thông báo đến cộng đồng về những nguy cơ của việc sử dụng phần mềm không bản quyền. Chúng tôi làm việc với chính phủ về mặt thi hành luật và truyền thông.

Hiện tỉ lệ sử dụng phần mềm không bản quyền ở Việt Nam so sánh với khu vực và thế giới ra sao, thưa ông?

Trên thế giới tỉ lệ hiện là 37%, Việt Nam hiện đang ở mức 74%, so với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói riêng là 57%. Có thể thấy Việt Nam đang ở mức cao hơn, tuy nhiên nếu so sánh với Việt Nam vào 15 – 20 năm trước khi con số lên đến gần 100%, thì hoàn toàn có thể nói Việt Nam là một trong số các quốc gia đã có những bước tiến đáng kể nhất trong khu vực, bên cạnh Trung Quốc.

So sánh với một số quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vẫn xếp cao hơn Indonesia (83%), tuy nhiên thấp hơn Thái Lan (66%), Malaysia (51%). Để có được những bước phát triển này, BSA có lời cảm ơn đến chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao Du lịch trong những nỗ lực giáo dục và thực thi luật để củng cố cho việc sử dụng phần mềm có bản quyền.

Tỷ lệ vi phạm phần mềm bản quyền tại Việt Nam đã có những cải thiện trong những năm qua

Ở Việt Nam, lĩnh vực hay ngành công nghiệp nào thường vi phạm về bản quyền nhiều nhất và lĩnh vực nào chấp hành nghiêm túc hơn?

Theo tôi, rất khó để xác định tỉ lệ của một ngành công nghiệp hay lĩnh vực nào nói riêng, mà đây là một thực trạng chung của quốc gia. Những thành viên cấp cao của công ty phải đồng ý cung cấp cho bộ phận IT của mình chi phí để thi hành việc sử dụng phần mềm bản quyền.

Tuy nhiên có nhiều người lãnh đạo cho rằng vì lý do tiết kiệm chi phí, họ sẽ không chi trả cho phần mềm bản quyền. Với tôi, đây là một suy nghĩ rất sai lệch, vì nó sẽ mang lại những mối nguy hại rất lớn cho công ty, từ việc mã độc tấn công, hack, đánh cắp thông tin công ty và dữ liệu khách hàng, từ đó danh tiếng của công ty sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, và một số trường hợp dẫn đến phá sản, vì các nhà đầu tư sẽ không tin tưởng một công ty không thể bảo vệ thông tin và dữ liệu khách hàng.

Có một con số cụ thể nào cho thấy thiệt hại của những công ty ở Việt Nam khi sử dụng phần mềm không bản quyền hay không? Và với những công ty chuyển sang sử dụng phần mềm có bản quyền, những quyền lợi của họ là gì?

Không có một con số cụ thể nào về các thiệt hại từ các công ty. Chúng tôi biết rằng, chi phí trung bình mà các công ty dành cho phần mềm rơi vào khoảng 7 – 11% chi phí vận hành của công ty, tuy nhiên mỗi công ty sẽ có những mức chi phí khác nhau nên rất khó để đánh giá về con số cụ thể.

Nếu họ có hệ thống quản lý tài sản phần mềm hiệu quả, có sự kiểm soát tốt từ phía các công ty, họ sẽ không gặp phải vấn đề mua quá nhiều phần mềm không cần thiết, và họ cũng sẽ nhận được những quyền lợi từ những cải tiến của phần mềm có bản quyền, những phiên bản mới. Công ty sẽ vận hành tốt hơn từ những lý do đó.

Những mối nguy hại chính đến từ việc sử dụng phần mềm không bản quyền là gì, thưa ông?

Những nguy cơ chính bao gồm thứ nhất là những nguy hại về mặt an ninh mạng, nguy cơ bị mã độc (malware) tấn công sẽ cao hơn khi sử dụng phần mềm không bản quyền, vì chúng ta không nhận được sự bảo vệ từ phía các công ty phát triển phần mềm.

Thứ hai là những nguy cơ về mặt pháp lý, vì các vi phạm về luật bản quyền tại Việt Nam. Vào tháng 1/2018, đã có sự thay đổi về luật, theo đó vi phạm bản quyền có thể được xem là tội hình sự. Vì vậy bên cạnh những khoản đền bù về mặt pháp lý, danh tiếng công ty cũng sẽ gặp phải những vấn đề, có thể họ sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh, và nhận mức án phạt tương đương 3 tỉ đồng.

Trong quá trình thúc đẩy việc sử dụng phần mềm bản quyền, những thách thức và thuận lợi lớn nhất của BSA là gì?

Thách thức lớn nhất của chúng tôi là việc thuyết phục các ban lãnh đạo, các CEO, CFO, CIO, phòng ban IT để họ biết được những nguy cơ thực sự của an ninh mạng. Vào khoảng 10 năm trước đây, thì câu chuyện chỉ xoay quanh những vấn đề pháp lý. Tuy nhiên từ 2 – 3 năm gần đây, càng ngày càng có sự kết nối với Internet rộng rãi hơn, nguy cơ về an ninh mạng cũng trở nên cấp bách hơn.

Do chúng ta đã quá quen với việc sử dụng phần mềm không trả tiền, vì vậy thuyết phục ban lãnh đạo tự nguyện chấp hành luôn là điều khó nhất. Vì khi mọi thứ phát triển, thì các phần mềm mã độc cũng sẽ phát triển theo. Rất có thể một ngày bạn vào công ty và không thể nào đăng nhập và truy cập vào các dữ liệu của mình do đã bị hack, và kẻ xấu buộc bạn phải trả 10.000 USD để có thể lấy lại dữ liệu, việc đòi tiền chuộc lại thông tin (ransomware) đã là một vấn đề đang hiện hữu ngày nay.

Một báo cáo của FBI năm 2019, những tên tội phạm an ninh mạng đã kiếm được 3,5 tỉ USD từ những cuộc tấn công của mình. Hầu hết đến từ những hình thức như email và đường link độc hại, điền những thông tin bảo mật riêng tư, và gặp phải những nguy cơ đánh mất dữ liệu, bên cạnh những nguy cơ về ransomware như tôi đã chia sẻ.

Về những thuận lợi, chúng tôi nhận được sự ủng hộ từ phía chính phủ và báo chí, những đơn vị hiểu được tầm quan trọng của việc sử dụng phần mềm có bản quyền, những lợi ích của nó về mặt kinh tế cho đất nước. Tuy xã hội và cộng đồng chưa thực sự hiểu hết được những nguy cơ và lợi ích của nó, nhưng thực tế chúng ta vẫn có những con số cho thấy những bước cải thiện đáng kể, và chúng tôi vẫn còn một chặng đường dài để tiếp tục!

Tôi cũng tin tưởng về thị trường phần mềm cũng là nơi, để cho mọi người thỏa sức sáng tạo, tạo ra nguồn việc làm, để cho những ý tưởng được phát triển, và là một nơi mọi người đều có thể đóng góp ý tưởng. Chúng tôi sẽ cố gắng giáo dục những lý tưởng này đến cộng đồng.

Được biết, trước khi gia nhập BSA, ông từng là Phó Giám đốc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPAA), đại diện cho nhiều hãng phim hàng đầu Hollywood như Sony Pictures, Twentieth Century Fox,… trong lĩnh vực chống vi phạm bản quyền. Những kinh nghiệm đó đã đóng góp thế nào cho công việc hiện tại của ông?

Tôi từng học 3 năm về Chính trị tại Đại học, sau đó trở thành cảnh sát ở London (1981 – 1984) và từ đó tôi học về luật hình sự, sau đó có 12 năm làm cảnh sát ở Hồng Kong. Vì vậy, tôi có kinh nghiệm về thi hành luật và chính trị.

Sau đó khi công tác tại Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ, tôi thường làm những công tác thi hành luật nhiều hơn, khi điều tra tình trạng sử dụng VCD, DVD lậu. Khi tôi chuyển công tác sang mảng phần mềm doanh nghiệp, thì phạm vi công việc của tôi lớn hơn, vì có rất nhiều hình thức và hoạt động tại thị trường này.

Bên cạnh đó tôi cũng làm việc về chính sách, thuyết phục chính phủ về việc ban hành luật, làm sao đưa những quy trình, thủ tục về mặt phần mềm đến công chúng rõ ràng và làm thế nào ngành phần mềm phát triển hơn. Ngoài ra, tôi cũng có kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo vệ sở hữu trí tuệ, có nền tảng về giáo dục, PR, và tất cả đều đóng góp cho những công việc hiện tại của tôi!

Theo VnReview

Vi phạm bản quyền phần mềm- nhiệt giảm từng năm, nhưng vẫn rất ‘nóng’

Vi phạm bản quyền phần mềm- nhiệt giảm từng năm, nhưng vẫn rất ‘nóng’

Không thể phủ nhận trong lĩnh vực bản quyền nói chung và lĩnh vực bản quyền phần mềm nói riêng, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, được BSA ghi nhận từng năm qua các kết quả khảo sát phần mềm toàn cầu.

kết quả khảo sát phần mềm toàn cầu 2018 của BSA đã chỉ rõ: Tỷ lệ phần mềm không bản quyền được cài đặt trong máy tính cá nhân của Việt Nam là 74%. So với nghiên cứu trước của BSA đã được công bố năm 2016, thì tỷ lệ này đã giảm được 4%.

Như vậy, từ năm 2009 đến nay, kết quả nghiên cứu của BSA đã cho thấy tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính ở Việt Nam đã giảm liên tục từ mức 85% năm 2009 xuống 83% năm 2010, đến mức 81% vào các năm 2011 và 2013; đến mức 78% năm 2015 và 74% vào năm 2017 theo kết quả khảo sát mới được công bố.

Theo đại diện BSA đây là tỷ lệ giảm rất cao, cho thấy nỗ lực không nhỏ của các cơ quan, tổ chức tại Việt Nam

Đáng mừng là thế cho một “mặt bằng chung” của tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm của Việt Nam. Nhưng ngược lại, ở những “góc khuất” nào đó, trong cái phần 74% còn vi phạm kia, vẫn là những doanh nghiệp, những đơn vị chây ỳ; bất chấp những nguy hại có thể gặp phải do tấn công của tin tặc, do bị phạt, bị “bêu danh” là doanh nghiệp “dùng chùa”, ăn cắp bản quyền phần mềm. Và trên thực tế, đó mới là điều khiến các cơ quan chức năng phải vất vả, nỗ lực nhiều hơn. Bởi để có được 4% giảm mỗi năm, là công việc không hề đơn giản và không hề dễ dàng.

Một đại diện thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đơn vị “cầm chịch” trong các đợt thanh tra bản quyền phần mềm, nhằm làm thanh sạch hơn trong lĩnh vực này, chia sẻ: Trung bình các năm, thanh tra Bộ tiến hành thanh tra khoảng 80-100 doanh nghiệp. Hoạt động thanh tra diễn ra ở khắp các tỉnh, thành, thanh tra theo đơn yêu cầu của chủ sở hữu.

“Năm vừa rồi có sự thay đổi cơ cấu tổ chức giữa các đơn vị phối hợp, đặc biệt là cơ quan công an, nên vẫn đang tiếp nối. Riêng đối với hoạt động thanh tra bản quyền phần mềm, thì chúng tôi tiến hành thanh tra đột xuất. Khi phát hiện dấu hiệu vi phạm, khi có phản ánh, đơn thư yêu cầu từ chủ sở hữu, chúng tôi sẽ tiến hành thanh tra đột xuất, chứ không thông báo trước”, đại diện này nhấn mạnh.

Dù không đưa ra con số chính xác về tổng số doanh nghiệp đã bị thanh tra trong năm 2018, tuy nhiên với chia sẻ này của đại diện thanh tra Bộ, số lượng các cuộc thanh tra vẫn tương đương như các năm trước.

Trong một cuộc tọa đàm dịp đầu năm 2018, khi chia sẻ với báo chí, ông Trần Văn Minh, Phó Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, cho biết, về thanh tra bản quyền phần mềm năm 2017, đơn vị này đã thực hiện quyết định thanh tra 63 doanh nghiệp, kiểm tra 2.472 máy tính, trong đó có 54 doanh nghiệp có hành vi sao chép chương trình phần mềm máy tính mà không được phép của chủ sở hữu, xử lý vi phạm hành chính là 1,65 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2018 đến tháng 4/2018, thanh tra tiếp tục tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quyền tác giả đối với chương trình phần mềm máy tính tại 26 doanh nghiệp, xử phạt vi phạm hành chính 750 triệu đồng.

Trong đó, có những vụ khá “nổi cộm” như cuộc thanh tra tại Công ty TNHH Nội thất gỗ Phú Đỉnh (Full Ding Furniture Co.Ltd) có trụ sở tại Bình Dương. Đoàn thanh tra liên ngành đã kiểm tra 43 máy tính. Bên cạnh các phần mềm có bản quyền, Đoàn đã phát hiện các phần mềm không có bản quyền của Autodesk và Microsoft. Theo ước tính của các chủ sở hữu, số lượng phần mềm vi phạm này có giá trị lên tới hơn 2 tỷ đồng.

Hay khi thanh tra Công ty TNHH Rehab Italian Design, cũng có trụ sở tại Bình Dương, Đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra 33 máy và phát hiện số lượng phần mềm không có bản quyền theo ước tính của chủ sở hữu khoảng gần 3 tỷ đồng.

Và theo tiết lộ của một số chủ sở hữu, thì điều đáng nói là với những doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài, có quy mô lớn hàng nghìn công nhân như vậy, nhưng không những cố tình không tuân thủ pháp luật của nước sở tại, vi phạm quy định của pháp luật về vấn đề bản quyền; mà sau khi thanh tra cũng cố tình không hợp tác khắc phục hậu quả!

Về vấn đề này, theo đại diện Thanh tra Bộ, hiện nay, các hình thức xử phạt đối với pháp nhân vi phạm, bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi đã quy định rõ: Phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Đây là các hình thức phạt vi phạm đối với pháp nhân. “Hiện nay, với những hình phạt nghiêm khắc, theo đánh giá, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp đã có sự chủ động trong việc sử dụng các phần mềm hợp pháp, khuyến cáo tới người lao động không được phép cài đặt, đồng thời có phần mềm quản lý chặt chẽ, để hạn chế tối đa vi phạm”, đại diện Thanh tra Bộ nhấn mạnh.

Cụ thể, Điều 225- Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan quy định rõ: “Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây(sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình; Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình-PV) xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm”.

Điều 225 cũng quy định: “Với pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau: Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1 tỷ đồng”.

Làm rõ hơn về việc này, đại diện Thanh tra Bộ cho biết: “Về mặt thanh tra hành chính, các đơn vị đã chấp hành pháp luật, họ đã nộp phạt đối với việc xâm phạm quyền. Còn khoản thỏa thuận dân sự, chủ sở hữu nếu không hài lòng, thì có thể khởi kiện ra tòa theo quy định của pháp luật. Chủ sở hữu có thể lựa chọn, một là hành chính, hai là dân sự, đó là do chủ sở hữu. Hành chính thì đã làm rồi, còn nếu chủ sở hữu cho rằng các doanh nghiệp này không tuân thủ thì doanh nghiệp chủ sở hữu có thể khởi kiện ra tòa dân sự theo đúng quy định của pháp luật. Đó là quyền của các chủ sở hữu”.

Rõ ràng, dù có những nỗ lực không ngừng của các cơ quan chức năng, dù đã có sự hợp tác tốt hơn của các DN, nhưng không phải việc vi phạm bản quyền phần mềm và xử lý các vi phạm bản quyền phần mềm đã thật sự dễ dàng, thuận lợi. Như đã nói ở trên, để có tỷ lệ giảm 4% là một điều không hề đơn giản và không phải cứ “tuần tự” giảm dần theo năm, nếu không có những sự mạnh tay và kiên quyết hơn với các DN vi phạm; cũng như việc thanh tra thường xuyên, liên tục để có thể đảm bảo sự “thanh sạch” của lĩnh vực này.

Về vấn đề này, theo đại diện Thanh tra Bộ chia sẻ: “Chúng tôi vẫn tiếp tục thúc đẩy các hoạt động thanh tra, kiểm tra trong thời gian tới. Việc này nằm trong kế hoạch của thanh tra hàng năm, việc thanh tra về quyền tác giả quyền liên quan nói chung, quyền tác giả với các phần mềm máy tính nói riêng. Công việc này được chúng tôi đặt ra và thực hiện thường xuyên”.

10.000 doanh nghiệp Việt Nam có thể bị thanh tra về bản quyền phần mềm

10.000 doanh nghiệp Việt Nam có thể bị thanh tra về bản quyền phần mềm

10.000 doanh nghiệp có thể bị thanh tra về việc sử dụng bản quyền phần mềm, sau khi tổ chức Liên minh phần mềm BSA công bố báo cáo kết quả mờ nhạt của quá trình hợp pháp hóa việc sử dụng phần mềm tại Việt Nam.

Theo đó, BSA hiện đang xem xét hồ sơ của 3.500 công ty ở phía Bắc, 1.500 công ty ở khu vực miền Trung và 5.000 công ty ở phía Nam.

Các luật sư tại BSA đang thảo luận với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam để tiến hành thanh tra vào tháng 12 nhằm phát hiện thêm các vi phạm luật pháp quốc tế về IP và an ninh mạng quốc gia.

Ông Tarun Sawney, giám đốc cấp cao của BSA, cho biết: “Có hàng chục ngàn công ty ở Việt Nam sử dụng phần mềm bất hợp pháp, và thực tế là có rất ít CEO đứng ra giải quyết vấn đề này, nhìn nhận đó là hành động vô trách nhiệm khi đặt vấn đề bảo mật dữ liệu của công chúng và quốc gia vào nguy cơ bị tấn công. Điều này cần phải dừng lại”.

BSA cảnh báo CEO của các tập đoàn không tuân thủ rằng các chính phủ ASEAN đang cùng hợp tác để thực thi luật bản quyền phần mềm. Các CEO không hợp pháp hóa phần mềm tại công ty họ có thể phải đối mặt với các hình phạt và vấn đề pháp lý khác.

Trước đó, theo khảo sát phần mềm toàn cầu 2018 của BSA, tỷ lệ sử dụng phần mềm không được cấp phép của Việt Nam là 75%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình ở Châu Á Thái Bình Dương là 57%.

Cho đến nay, các công ty Việt Nam tại 33 tỉnh thành đã hợp pháp hóa tài sản phần mềm của họ nhưng chỉ có 50 công ty là được ghi nhận có nỗ lực đáng kể. TP.HCM đã hợp pháp hóa khoảng 30% so với Hà Nội. Các tập đoàn tại Việt Nam đã hợp pháp hóa được khoảng 200 máy tính.

“CEO tại Việt Nam nên hiểu rằng cần chủ động hợp pháp hóa bây giờ hơn là để gặp phải các rắc rối về sau,” ông Sawney cho biết, “CEO phải nhìn nhận rằng phần mềm hợp pháp là cách tốt nhất để tránh các thiệt hại trên quy mô lớn về an ninh mạng, luật pháp, và thiệt hại về danh tiếng. Cần có những nỗ lực lớn hơn từ phía chính phủ và các CEO để thúc đẩy thay đổi văn hóa doanh nghiệp trong việc sử dụng phần mềm theo hướng hợp pháp và chính hãng”.

Theo tuoitre.vn